Giải Pháp Sàn
Giải Pháp Sàn:
Là một vấn đề quan trọng trong nhà cao tầng kết cấu thép. Tấm sàn vừa phải đáp ứng được yêu cầu về khả năng công nghiệp hóa nhưng vẫn đảm bảo về tính liền khối, ổn định và bền vững. Đã có rất nhiều giải pháp được ứng dụng nhưng phổ biến nhất là bốn giải pháp sàn liên hợp là:
Composite slab, decking slab, superdeck và sàn liên hợp kết cấu thép – bê tông:
Composite Slab:
Composite slab, hay sàn liên hợp thép bê tông, là giải pháp phổ biến nhất hiện nay, do quy trình thiết kế, tính toán, thi công được chấp nhận trên toan thế giới. Cấu tạo các lớp sàn gồm:
1. Lớp cốp pha tôn đáy, có gân (dày từ 0.8mm đến 2mm, mạ kẽm).
2. Đinh chốt, liên kết lớp bê tông sàn với dầm thép (chịu lực liên hợp).
3. Lớp bê tông cốt thép mặt sàn (dày từ 10cm đến 20cm).
Nhược điểm của sàn liên hợp là giá thành cao, thi công phức tạp. Giải pháp này thường được áp dụng cho những công trình có suất đầu tư cao, yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật cao, hoặc cho những ô sàn lớn.
Decking slab:
Decking slab là giải pháp được sử dụng phổ biến trong công nghiệp. Giải pháp vẫn sử dụng nguyên lý tính toán và thi công giống như phương án sàn liên hợp, tuy nhiên nó được đơn giản hóa để dễ thi công và giảm giá thành. Cụ thể, lớp tôn đáy sàn là tôn múi sóng cao, có gờ nổi, khoảng giữa các sóng có các đường gờ cán nổi, chạy dọc tấm tôn. Cấu tạo đặc biệt của múi tôn cho phép tấm tôn và bê tông sàn chịu lực liên hợp tốt hơn trong khi chiều dày trung bình của lớp bê tông sàn lớn hơn. Sàn decking vẫn sử dụng liên kết hàn đinh chốt và đổ bê tông cốt thép giống như sàn composite slab.
Superdeck:
Sàn thép cốp pha tôn, là giải pháp sàn rất phổ biến tại Hàn Quốc và Trung Quốc. Công nghệ superdeck được công ty TADITS chuyển giao công nghệ và ứng dụng lần đầu tiên tại Việt Nam năm 2009, tại công trình Austnam Complex, ngõ 109 Trường Chinh. Khác với hai giải pháp trên, sàn thép superdeck sử dụng hệ thép d10, d12 tổ hợp dạng chữ A, hàn liên kết trực tiếp vào lớp tôn đáy bằng phương pháp hàn điện cực nóng chảy.
Nhược điểm của tấm sàn superdeck là chiều dày sàn lớn nên khi thi công, sau khi lắp đặt tấm sàn, cần lắp đặt các khối rỗng giữa các khung thép chữ A (có thể sử dụng hộp nhựa hoặc khối xốp) để giảm bớt khối lượng bê tông.
Sàn kết cấu thép – bê tông:
Hay có thể gọi là sàn nhẹ, là giải pháp kinh tế nhất, tính toán đơn giản nhất và thi công dễ nhất trong các giải pháp sàn. Giải pháp này tách biệt công năng của hai thành phần cơ bản là kết cấu thép và bê tông sàn. Cụ thể, chức năng lớp bê tông sàn là lớp phủ bề mặt, tăng độ ổn định, chống rung và cách âm cách nhiệt (tối ưu nhất là sử dụng bê tông nhẹ). Còn chịu lực kết cấu là chức năng của phần khung thép và xà gồ sàn. Tải trọng sẽ được truyền qua lớp sàn vào lớp xà gồ (có chức năng như hệ dầm phụ) sau đó truyền trực tiếp lên hệ dầm chính và khung thép.
Giải pháp này đặc biệt thích hợp với các công trình thấp tầng, yêu cầu tiến độ thi công nhanh, tính linh hoạt cao, khả năng tháo dỡ, di chuyển dễ dàng.
Write a Comment